Trước khi có câu trả lời đúng, ta cần biết rõ về 3 mức độ uống rượu: uống vừa mức, uống quá mức và nghiện rượu (còn gọi là phụ thuộc rượu).
Thế nào là uống quá mức? Là khi có 1 trong 4 biểu hiện sau đây xảy ra trong khoảng thời gian 12 tháng:
– Không hoàn thành trách nhiệm bản thân (trong công việc hằng ngày ở cơ quan, gia đình hoặc trường học).
– Uống khi chuẩn bị thực hiện những công việc đòi hỏi tính cẩn thận (lái xe, điều khiển máy…).
– Có hành vi ứng xử không đúng (nói năng lung tung, gây gổ, cãi lộn…).
– Tiếp tục uống khi đã có những biểu hiện rối loạn thực thể và chức năng (nôn ói, mệt lả, tim đập nhanh…).
Uống rượu vừa mức sẽ mang lại lợi ích tích cực cho sức khỏe
Một người được coi là nghiện rượu khi có 4 biểu hiện rõ rệt sau:
– Thèm muốn cực độ (nhu cầu uống cao hơn cả đói ăn, khát nước).
– Mất tự chủ (không thể tự ngưng uống).
– Cơ thể phụ thuộc rượu (khi thiếu rượu sẽ cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, buồn nôn, miệng khô đắng).
– “Chịu rượu” (luôn có nhu cầu uống nhiều hơn mới đủ “đô” để “phê”).
Một số tài liệu y học cho rằng tình trạng nghiện rượu có thể liên quan đến cấu trúc gene (gia đình có người nghiện rượu); nhưng đây không phải là yếu tố quyết định. Phần lớn các thầy thuốc cho rằng tình trạng nghiện rượu phụ thuộc nhiều vào môi trường sống (điều kiện làm việc, sinh hoạt nghề nghiệp, bạn bè, trình độ văn hóa, giáo dục…). Người bắt đầu uống rượu trước 15 tuổi có nguy cơ nghiện cao gấp 4 lần người bắt đầu uống sau 21 tuổi.
Nhiều nghiên cứu y học ghi nhận rằng, việc uống rượu vừa mức đem lại các lợi ích:
– Khỏe tim mạch: Làm giảm 30-50% nguy cơ cơn đau tim ở những người tuổi trung niên, giảm thiểu nguy cơ suy tim hoặc đột tử vì tim ở những người có tiền sử bệnh tim.
– Tốt cho tuần hoàn mạch vành: Làm giảm nguy cơ bệnh mạch vành vì làm tăng lượng cholesterol tốt trong cơ thể, giúp đào thải cholesterol xấu ra khỏi động mạch, làm giảm nguy cơ bệnh xơ vữa động mạch (ứ đọng nhiều mảng mỡ gây xơ cứng mạch máu).
– Tăng cường tuần hoàn chung: Ở người có huyết áp bình thường, việc uống rượu vừa mức sẽ giúp phòng chống hiện tượng đóng cục máu, nhờ vậy làm giảm những cơn thiếu máu cục bộ, đặc biệt chống được nguy cơ lấp tắc động mạch ở chi dưới (bệnh mạch ngoại vi).
– Có lợi cho tuần hoàn mạch não: Làm giảm tình trạng thiếu máu não, nhờ vậy giúp phòng chống bệnh suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi (bệnh Alzheimer).
Việc uống rượu quá mức hoặc nghiện rượu gây nhiều điều hại:
– Gây nhức đầu, làm giảm khả năng thích ứng và phối hợp các hành động ứng xử (dễ gây rối nơi công cộng, hành hung người khác). Đặc biệt, người uống rượu quá mức thường dễ gây tai nạn (đụng xe, chấn thương do té ngã…).
– Rối loạn giấc ngủ và hoạt động tình dục.
– Làm tăng huyết áp, có thể gây tai biến mạch máu não, suy tim cấp đến mức đột tử.
– Gây viêm nhiều cơ quan (như phổi, thận), xơ gan, loãng xương và rối loạn các chức năng miễn nhiễm.
– Tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư (miệng, họng, thực quản, gan). Nguy cơ này có thể cao gấp hai lần ở những người nghiện rượu kèm nghiện hút thuốc lá.
– Có thể dẫn đến chảy máu dạ dày ở những người đang dùng các loại thuốc điều trị (an thần, kháng histamin, giảm đau, aspirin).
Các tài liệu y học đã khuyến cáo tuyệt đối cấm uống rượu bia trong trường hợp: huyết áp cao, rối loạn nhịp tim (rung tâm nhĩ…), viêm loét đường tiêu hóa, mắc bệnh gan, phụ nữ đang mang thai (vì gây tổn thương phôi thai).
Như vậy, sau những giờ làm việc mệt mỏi, chúng ta có thể “nâng ly chạm cốc” nhưng phải luôn tự hỏi: sức khỏe của mình ra sao, uống để làm gì và uống bao nhiêu là vừa mức?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét