Gan nhiễm mỡ là hiện tượng tích lũy mỡ quá nhiều tại gan do nhiều nguyên nhân gây ra. Bệnh gây viêm gan, xơ gan, sẹo trong gan. Điều quan trọng là bệnh có thể phòng tránh được bằng cách loại bỏ các nguyên nhân ảnh hưởng gây bệnh và thực hiện một lối sống lành mạnh.
Những “con đường” dẫn đến nhiễm mỡ gan
Tình trạng lượng mỡ tích tụ trong gan lớn hơn 5% trọng lượng gan được gọi là gan nhiễm mỡ hay thoái hóa mỡ gan. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiễm mỡ gan, bởi vậy, bạn cần biết để chặn đường những kẻ làm hư hại gan của bạn. Thứ nhất là sự thừa cân, béo phì. Nếu bạn có khả năng ăn không biết chán thì kết quả chắc chắn là bạn sẽ béo tốt đến mức thừa cân. Khi đó, gan của bạn sẽ chuyển một phần năng lượng thừa đó sang tích lũy dưới dạng mỡ đọng lại ở gan. Thứ hai là bạn mắc bệnh tiểu đường týp 2. Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường phải dùng insulin để điều trị.
Cấu tạo hệ tiêu hóa
Nghiên cứu của các nhà chuyên môn cho thấy khi cơ thể có biểu hiện kháng lại tác dụng của insulin hay tuyến tuỵ không tiết đủ insulin để duy trì nồng độ đường huyết bình thường thì nhiều cơ quan sẽ bị tổn thương, trong đó có gan. Cứ 4 người mắc bệnh tiểu đường thì có 3 người bị bệnh gan nhiễm mỡ. Thứ ba là nghiện rượu: khi bạn uống nhiều rượu thì lượng rượu đó gây nên hậu quả là tăng tổng hợp và giảm phân giải acid béo trong gan.
Việc phân giải nhiều mỡ dẫn đến lượng acid béo đi vào trong máu nhiều và sẽ tích trữ mỡ trong gan. Trường hợp suy dinh dưỡng thiếu protein làm cho triglycerid trong gan không chuyển được thành lipoprotein để chuyển ra ngoài, gây lắng đọng tại gan. Ngoài ra còn có các nguyên nhân làm cho gan nhiễm mỡ là bệnh Wilson, dùng các thuốc gây độc cho gan như corticosteroid, tetracycline liều cao, oestrogen…
Ngăn chặn những “kẻ” làm hại gan
Nếu bệnh liên quan đến uống rượu thì bạn phải kiên quyết bỏ rượu. Trường hợp do ngộ độc thuốc chữa bệnh thì bạn phải tham khảo ý kiến của bác sĩ để ngưng ngay những thuốc làm cho gan nhiễm mỡ và thay thế bằng những thuốc an toàn.
Nếu gan của bạn chưa bị nhiễm mỡ, bạn cần thực hiện một lối sống lành mạnh như: ăn uống hợp lý, hạn chế năng lượng dư thừa; không ăn các loại thức ăn chứa nhiều cholesterol như phủ tạng động vật (gan tim, bầu dục…), lòng đỏ trứng…; nên ăn dầu thực vật, hạn chế mỡ động vật; ăn chất đạm vừa phải; nên ăn các loại thức ăn có tác dụng giảm mỡ như: đậu nành và các loại đậu khác, cà chua chín, rau các loại: cần tây, diếp cá, cải xanh, cải cúc, rau ngót, rau muống, tỏi, nấm hương và các loại trái cây như cam, chanh, quýt, bưởi, táo, bổ sung vitamin nhóm B, uống nước chè xanh…; bỏ hẳn rượu, bia.
Bạn cũng cần tăng cường vận động, tập thể dục thường xuyên phù hợp với sức khỏe. Nên khám kiểm tra đường huyết, cholesterol và triglycerid máu định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh gây nhiễm mỡ gan.
Cách nhận biết gan bị nhiễm mỡ
Nếu bạn mới bị gan nhiễm mỡ thì hầu như bạn không thấy có biểu hiện gì vì tình trạng lắng đọng mỡ tại gan xảy ra từ từ nên các dấu hiệu của nó cũng khó cảm thấy. Nhưng đến giai đoạn tốc độ lắng đọng mỡ trong gan xảy ra nhanh, làm cho gan to ra nhanh, bao gan căng ra làm cho bạn có cảm giác đau tức hoặc nặng vùng gan.
Tình trạng bệnh gan nhiễm mỡ trở nặng như nhiễm virut cấp ở người đái tháo đường, triệu chứng bao gồm: đau dưới bờ sườn phải, vàng da, tăng các men gan do ứ mật, rối loạn thời gian đông máu và cuối cùng là triệu chứng suy gan. Bệnh nhân cần làm các xét nghiệm như siêu âm, chụp cắt lớp giúp chẩn đoán được gan nhiễm mỡ. Xét nghiệm máu thấy cholesterol, triglyceride máu, các men gan tăng cao có giá trị phát hiện gan nhiễm mỡ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét